Monday, September 15, 2014

BIẾN ĐỔI TÂM LÝ Ở TRẺ VỊ THÀNH NIÊN



Trẻ vị thành niên đã có nhận thức về giới tính của mình


Thời kỳ vị thành niên(VTN) là giai đoạn phát triển chuyển tiếp từ lứa tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Thuật ngữ VTN ám chỉ nhiều hơn đến các đặc điểm tâm lý xã hội và nhân cách của thanh thiếu niên, bao gồm cả hai giới nam và nữ. Về mặt sinh lý, VTN là giai đoạn đang lớn, dậy thì và có sự trưởng thành về tình dục. Về mặt tâm lý xã hội, VTN là lứa tuổi có những diễn biến nội tâm phức tạp, ít phụ thuộc hơn về mặt kinh tế; muốn tự khẳng định mình. Theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, VTN nằm trong độ tuổi từ 10 đến 19. Ở Việt Nam, tuổi VTN và thanh niên từ 13 đến 24 tuổi chiếm khoảng 31% dân số. Ngày nay, VTN ngày càng được quan tâm nghiên cứu, không phải chỉ vì họ là những chủ nhân tương lai của xã hội, mà còn vì VTN cũng là nhóm có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao, nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bị bóc lột sức lao động và dễ bỏ học nửa chừng. Đặc biệt các em gái VTN thường bị phụ thuộc về kinh tế và ít có cơ hội về giáo dục và việc làm hơn nam giới, các em cũng dễ có thai ngoài ý muốn, dẫn đến nạo phá thai, tử vong cao khi sinh con.


Trẻ vị thành niên có những biến đổi tâm lý – xã hội như thế nào?


    • Sự nhạy cảm về giới và cảm xúc giới tính: khi đến tuổi dậy thì, khát vọng về tình dục đã đem lại cho VTN những cảm giác mới về giới. Họ muốn được mọi người quan tâm nhiều hơn. Với bạn khác giới, họ cư xử rất thân mật, nhưng đôi khi lại thận trọng. Rõ ràng là họ đã có nhận thức về giới tính của mình. Trong giai đoạn này, các em thường muốn có một người nào đó(không phải là bố mẹ) để nói chuyện tâm tình, chia sẻ những cảm giác vui buồn. VTN dễ tự ái, đôi khi trở nên “bướng bỉnh”. Tình yêu dường như là một mong muốn kỳ diệu trong giai đoạn này. Một số em yêu sớm và không thể từ chối quan hệ tình dục với người mình yêu.


    • Sự mất cân bằng tạm thời về tâm lý : Do các đặc điểm của hệ thần kinh và nội tiết đang phát triển, VTN dễ mất cân bằng về tâm lý và cảm xúc. Các biểu hiện là nhịp tim nhanh, huyết áp cao, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, dễ nổi nóng. Đôi khi chúng cảm thấy khó khăn trong việc tự kiểm soát khi bị kích động và gây ra những phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ dần biến mất khi các em trưởng thành hơn.


    • Tự nhận thức và đánh giá : Do những mong muốn được trở thành người lớn và được cư xử như người lớn, VTN có khuynh hướng sống trong hai thế giới: thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Trong giai đoạn này, việc tự đánh giá và tự phê bình bắt đầu định hình. Trẻ muốn được độc lập, tuy nhiên, chúng vẫn phụ thuộc về kinh tế nên bố mẹ vẫn có khuynh hướng kiểm soát con cái. Từ đó “khoảng cách” giữa hai thế hệ về cách nghĩ cũng xa hơn. Do đó các bậc cha mẹ và người lớn cần hiểu trẻ, tôn trọng những quyết định đúng đắn của chúng.

Các rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên biểu hiện ra sao?


    • Về mặt tâm lý, VTN là giai đoạn có những rối loạn sâu sắc. Lúc ấy, như có hai nhân vật cùng tranh nhau một cơ thể duy nhất, và bên nào cũng muốn chiếm ưu thế. Người thứ nhất muốn bảo tồn những đặc quyền của tuổi thơ ấu; còn người thứ hai lại thích sử dụng ưu thế của tuổi trưởng thành.
    • Được trang bị về mặt sinh lý như một người trưởng thành, nhưng lại được định hướng bằng những phản ứng trẻ con, VTN thường chất chứa lắm điều rồ dại. Điều  đó rất nguy hiểm khi các đối tượng ngồi trước tay lái xe gắn máy, đứng trên cao phóng xuống giòng sông đang chảy xiết hay lao vào những hoạt động tính dục quá sớm .
    • Các thế hệ thường không tìm thấy tiếng nói chung. Sự phản kháng đối với cha mẹ và người lớn không có gì là bất thường khi đứa trẻ sắp bước vào thế giới của người lớn.
    • Sinh hoạt của tuổi mới lớn lắm khi chứa đựng không ít điều kỳ dị. Các em có thể chôn chân hàng giờ liền trước gương soi, bị ám ảnh về một hình bóng khác phái nào đó, hay cắt chải mái tóc theo một kiểu ngược đời. Tư tưởng của các em lúc nào cũng như sục sôi lên khiến các em không chú ý mấy đến những gì đang thấy đang nghe. Các bậc cha mẹ hay thầy cô giáo thường than phiền là con trai hay học trò của họ như đang sống trên mây, mơ màng lười biếng. Điều này chỉ đúng một phần, vì người ta biết rằng sự thấp thỏm lo âu của tuổi VTN thường kéo theo mệt mỏi mà những thiếu niên ở độ tuổi này thường dành phần lớn thời gian cho sự… lo âu vơ vẩn thẫn thờ, vì thế, những dấu hiệu mệt mỏi chán nản là điều khó tránh khỏi.


    • Các cô gái ở tuổi VTN cũng thế. Các em cũng gặp nhiều khó khăn khi phải từ giã tuổi thơ ngây để bước vào một thế giới còn rất xa lạ. Trước tiên, cái cơ thể đổi mới hoàn toàn thường mang đến cho các em lắm điều phiền lụy. Các em phải che kín bộ ngực đầy vẻ e ấp, cảm thấy xấu hổ lúc hành kinh, và những điều này khiến các em trở nên khép kín, gò mình trong một thế giới chật hẹp và kỳ bí.



    • Thường thì các em không còn hoàn toàn tin vào cha mẹ nữa. Cũng giống các cậu con trai, các em chỉ chú tâm đến bản thân mình, mỗi một khiếm khuyết nhỏ của cơ thể cũng dễ trở thành một bi kịch.
    • Sở thích của các cô gái VTN cũng thay đổi. Các em không thích những cậu con trai cùng tuổi nữa. Với họ, những anh chàng này vẫn còn trẻ con quá. Các em chỉ chú ý đến những chàng trai lớn tuổi hơn, trông có vẻ già dặn và hấp dẫn. Một đặc trưng nữa của tuổi VTN, đó là sự tôn thờ thần tượng , một ca sĩ, một diễn viên điện ảnh hay một người mẫu thời trang chẳng hạn…

Làm sao nhận biết những hành vi có vấn đề trong lứa tuổi vị thành niên?


    Các hành vi có vấn đề là những hành động ngược lại bình thường, làm ảnh hưởng hoặc gây tổn hại đến cuộc sống của bản thân hoặc những người khác. Các vấn đề hành vi có thể bộc lộ ra ngoài hoặc thể hiện nội tâm bên trong.



Vậy các hành vi này xuất hiện ra sao? Thông thường, chúng sẽ có những biểu hiện như:
    • Sự trầm cảm: thể hiện từ mức độ nhẹ – cảm giác buồn rầu vẩn vơ, đến mức độ nặng như chán ăn, sụt cân, bi quan, mất hứng thú với cuộc sống, suy nghĩ méo mó thậm chí muốn tự tử. Hiện tượng trầm cảm thường gặp ở các em gái hơn là em trai. Các nguyên nhân phức tạp, có liên quan đến vấn đề thay đổi nội tiết, độ tuổi dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, cùng với những yếu tố xã hội tác động đến sự chuyển tiếp từ VTN đến người lớn, các stress và khả năng tự điều chỉnh của từng người liên quan đến giới tính.
    • Tự vẫn : tỉ lệ tự vẫn ở VTN đang tăng lên, đặc biệt ở độ tuổi cuối VTN(18-20 tuổi). Các yếu tố nguy cơ bao gồm sự trầm cảm nặng, hàng loạt các stress (ví dụ: sự tan vỡ gia đình, thất tình, sự đánh giá thấp kết hợp sự phê phán chỉ trích cao). 
    • Rối loạn ăn uống : bao gồm béo phì, chán ăn, và nhịn ăn, thường gặp ở các em gái. Rối loạn ăn uống còn gặp ở người bị trầm cảm, bị lạm dụng tình dục.
    • Bị lạm dụng tình dục, nghiện hút, nghiện rượu: đây cũng là những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe VTN và sức khỏe sinh sản.
Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, nhân viên y tế cần nắm vững những trạng thái mới mẻ của tuổi VTN và đề ra những cách ứng xử và hướng dẫn thích hợp. Sự kiên trì và hiểu biết luôn là những yếu tố không thể thiếu khi đối diện với tuổi VTN.  


BS. Phạm Ngọc Thanh
.
 
.

No comments:

Post a Comment