Saturday, May 11, 2013

CHUYỆN CỔ TÍCH MỚI

 
Đối với một đứa trẻ, được nằm trong lòng mẹ, nghe mẹ kể chuyện cổ tích còn sướng hơn Alice đi lạc vào chốn Thần Tiên. Với những trẻ em không mẹ thì mất cả hai đời sống: đời sống thực và đời sống trong mơ mộng. Tôi vẫn còn nhớ thời kỳ được nằm trong lòng mẹ, được nghe mẹ kể chuyện. Mẹ kể cho chị em tôi nghe đủ thứ chuyện mà sau này tôi đem kể lại cho các con tôi nghe. 

Đi dạy về, lo xong mọi việc, khi các con lên giường là tôi như bị con ma ngủ cuốn đi. Tôi bắt đầu kể chuyện cổ tích dỗ cho con tôi mau ngủ. Tôi nói:

“Mẹ kể xong chuyện rồi, các con mau ngủ đi”.

Kể một chuyện rồi hai chuyện, các con tôi cũng chưa ngủ. Chúng cứ nài nỉ:

“Mẹ kể nữa đi. Kể nữa đi mẹ. Mẹ kể lại chuyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ đi. Mẹ kể lại chuyện Ăn Khế Trả Vàng đi.”

Tôi không muốn kể lại chuyện cũ. Lật tung các lớp trí nhớ đã mờ vì cơn buồn ngủ, tôi nói:

“A, mẹ có chuyện mới này, để mẹ kể.”

Tôi kể chuyện hai anh em tranh nhau gia tài, người anh dành hết của cải, chỉ cho người em miếng đất bên sườn núi, một con chó, và một con mèo. Các con tôi buồn lắm, chúng nói:

“Tội nghiệp người em mẹ há.”

Khi nghe người em đem con chó và con mèo tròng vô cái cày rồi đem ra cày trên đám đất bên sườn núi thì chúng bắt đầu cười:

“Chó và mèo làm sao cày được hả mẹ?”

“Người em vừa cày vừa quát hai con vật: Dí chó thả mèo, đừng trèo hòn đá gãy cày của tao. Hòn đá bật cười, hả miệng đá bày ra một bụng vàng bên trong ...” 

Các con tôi cười sặc sụa, cười quên ngủ. Chúng cười vì câu nói ngớ ngẩn, chúng cười vui vẻ vì hạnh phúc của người em. Niềm vui đuổi giấc ngủ ra khỏi phòng. Tôi thì ríu mắt rồi. Tôi nghĩ: Mình ngu quá. Lần sau phải kể một câu chuyện buồn mới được. Con nít mà khóc thì mau ngủ lắm.

 
 

  Chuyện cổ tích buồn
 
Các con tôi lớn dần lên, bóng mẹ tôi đổ dài về phía trước, bà bắt đầu đau ốm luôn. Tôi về thăm mẹ. Bà nằm trên giường, bình thản. Những lúc khỏe bà thích đọc thơ. Bà đọc thơ cho tôi nghe như khi tôi còn nhỏ được bà ru bằng những câu Kiều, Lục Vân Tiên hay thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Giờ đây bà vẫn còn thuộc thơ Kiều, cả đoạn dài, bà đọc một lúc cả trăm câu:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. 
Cỏ non xanh rợn chân trời, 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa...

Những lúc bà mệt tôi đọc báo cho bà nghe. Mẹ tôi thích nghe những câu chuyện về tình mẹ con. Tôi đọc chuyện cô gái hiếu thảo nuôi mẹ già suốt đời, mẹ tôi khen:

“Chà cô gái tốt quá! Nhưng chuyện tốt không có nhiều trong thời đại mới này. Chuyện xấu thì nhiều vô kể.”

Tôi đọc:

“Một cô giáo nhà trẻ dùng băng keo dán miệng một em bé 11 tháng...”

Mẹ tôi đập tay xuống giường kêu lên:

“Sao cô giáo ngu quá vậy? Chết em bé còn gì!”

“Thưa mẹ, em bé chết rồi! Em bé hay khóc, cô giáo dán kín miệng cho nó khỏi khóc ồn ào, trong khi đó mẹ em bé cũng đang coi sóc một đám em bé khác ở phòng bên cạnh!”

Một tờ báo khác đăng: “Một em bé bị cha trói vào cột điện đánh đập tàn nhẫn và bỏ đói không cho ăn... 

Một em bé khác bị cha mẹ trói vào nhà vệ sinh suốt ngày đêm, khi Hội Phụ Nữ đến giải cứu thì em bị kiến muỗi cắn sưng phù cả người... 

Một người mẹ trẻ bị cha chồng mắng nhiếc, bồng đứa con mới sinh vài tháng ném xuống dòng sông Hậu làm mồi cho Hà Bá...”

Mẹ tôi thở dài! Bà nằm quay mặt vào tường và im lặng. Thời buổi chi mà lạ! Không có người tốt.

Chuyện người mẹ bên dòng sông Hậu đến đó chưa hết. Trước toà án, người chồng binh vực:
“Xin Toà giảm nhẹ cho vợ tôi, vợ tôi vì bị cha chồng đay nghiến suốt ngày đêm nên mới quẫn trí làm bậy, vợ tôi không xấu.”

Chỉ vì những lời mắng mỏ của cha chồng mà người mẹ đem đứa con đỏ ném xuống dòng nước lạnh, người mẹ đó có nghĩ đến tình cảnh đứa trẻ yếu ớt không có ý thức phản kháng, không biết tự cứu lấy mình, chìm xuống dòng nước lạnh giá? Em chết thảm thương. 

Em bé ơi! Em có tội hay mẹ em có tội? 

Chịu đựng những lời mắng mỏ của cha chồng khó hơn cái chết thảm thương của con mình hay sao? 

Người mẹ có thể cắt máu mình nuôi con, người mẹ có thể hy sinh bản thân mình đổi lấy sự sống cho con. Sao có người mẹ chỉ không chịu được những lời đay nghiến mà tự tay mình giết chết đứa con do mình sinh ra? 

Dù là người ít học cũng hiểu được tình mẹ con là thiêng liêng. Người đàn bà này không xứng đáng làm mẹ.
 
Tòa án lương tâm
 
Trên đây là tòa án của luật pháp. Tôi muốn nghe tiếng nói của tòa án lương tâm của người mẹ.
Sau khi tự tay mình giết chết đứa con, người mẹ trở về nhà nói với gia đình chồng là đứa bé đã bị bắt cóc. Một ngày sau, một người ở cuối xóm vớt được đứa bé từ dưới sông lên, người chị chồng nhận ra đó là cháu của mình. Người mẹ ở nhà tiếp tục sống. Người mẹ đó có nghe tiếng gọi của con mình?

“Mẹ ơi! Cứu con! Cứu con!”

“Con chết đi!”

“Mẹ ơi! Con lạnh lắm! Cứu con!”

“Con chết đi. Con chết đi.”

“Mẹ ơi! Tại sao mẹ giết chết con?”

“Mẹ giết con. Vì con mà mẹ bị ông nội con mắng mỏ suốt ngày. Mẹ không chịu được.”

“Mẹ ơi! Ông nội mắng mẹ, nỗi khổ đó thê thảm hơn nỗi khổ mẹ gây ra cho con hiện giờ sao mẹ? Mẹ xuống đây đi. Mẹ thử nằm xuống chỗ của con đang nằm đi... Con sợ, con sợ quá, con ngạt thở, nước tràn vào mắt con mũi con miệng con phổi con... Cứu con! Cứu con!”

Tôi hy vọng người mẹ sẽ nhận ra tội lỗi ghê gớm mình đã gây ra, sẽ ăn năn hối hận, sẽ nhận thấy có một đứa con là một hạnh phúc lớn lao không gì so sánh được. Một đứa con là một món quà kỳ diệu mà Thượng Đế đặt vào tay người mẹ. Là một huyền thoại đang dần dần được viết ra, là một bí mật đang dần dần được khám phá.

Đứa con là niềm vui, nguồn an ủi, là niềm kiêu hãnh, là lấp đầy nỗi cô đơn, là sức mạnh giúp chịu đựng khó khăn, là hy vọng, là ngày mai, là ngọn lửa sưởi ấm...

Và người mẹ là người được ban cho phép lạ để mỗi ngày che chở, thương yêu nuôi dưỡng sự sống thần kỳ do mình tạo ra. Tình mẹ là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ nhất trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ ở trên đời.

Bàn tay cuả người mẹ là bàn tay của tình thương.

Dòng sữa của mẹ là dòng suối thanh xuân nuôi đứa con đang bắt đầu cuộc sống của nó.

Sự chăm sóc của mẹ là một công việc có tính nghệ thuật và đầy sáng tạo.

Tình thương của mẹ là tình thương vô điều kiện, cho tất cả vẫn thấy còn chưa đủ.

Tình thương của mẹ như nước suối trong nguồn, càng cho càng đầy, càng lâu càng nồng ấm.

Tôi hy vọng bóng tối của những năm tháng trong tù sẽ mài sáng lương tâm của người mẹ để người đàn bà này nhận ra được nguồn hạnh phúc khi có một đứa con, làm mẹ là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả; để viết lên câu chuyện cổ tích mới về người mẹ vượt trùng trùng thử thách, trùng trùng cam khổ đi tìm lại đứa con mình đã đánh mất. Đứa con nhỏ như một cây bút thần kỳ, vẽ lên bức tranh hạnh phúc gia đình rực sáng niềm vui và hy vọng.

Có một vì sao nhỏ
Long lanh muốn vào đời,
Mẹ đưa tay hứng lấy,
Thành con yêu tuyệt vời.
Có một nàng tiên nhỏ,
Nửa đêm tỉnh giấc nồng,
Mẹ cha cùng đón đợi ,
Mà lòng đầy hân hoan...

(Nàng Tiên Nhỏ - Thơ Cao Thu Cúc)
 
Cao Thu Cúc
 

No comments:

Post a Comment